Chanh, gừng, hành lá, ớt,.. là những loại gia vị rất phổ biến trong chế biến món ăn hằng ngày trong gia đình. Thế nhưng để có thể bảo quản tốt giữ được sự tươi lâu của những loại gia vị này bạn đã biết cách chưa? Nội trợ xin giới thiệu đến các bạn một số mẹo bảo quản chanh và gia vị tươi ngon nhé!
Chanh
Chanh là gia vị không thể thiếu trong bếp nhà bạn, tuy nhiên do một số chị em chưa biết cách bảo quản nên chanh nhanh bị héo vàng và đắng. Hãy tham khảo các bí quyết dưới đây để lúc nào bạn cũng có chanh tươi để dùng nhé:
– Chanh nguyên quả: Để chanh được tươi lâu cả tuần, bạn hãy đem rửa thật sạch vỏ ngoài, để ráo nước, bỏ vào túi nilon, buộc kín lại rồi cho vào tủ lạnh. Nếu không buộc kín túi hoặc cứ để chanh vào tủ lạnh thì chanh rất nhanh héo.
– Chanh cắt nửa: Với những miếng chanh đã cắt dở bạn không nên vứt đi rất lãng phí, cũng không nên cứ thế cho vào tủ lạnh (chanh sẽ bị khô và đắng). Nhỏ một ít dấm lên một cái đĩa rồi úp miếng chanh lên, chanh sẽ để được lâu hơn.
Hành lá tươi
Để bảo quản hành lá tươi bạn hãy làm theo cách sau:
– Hành cắt rễ, rửa sạch để ráo nước.
– Thái nhỏ hành (giống như để xào hoặc nấu) cho vào cho vào túi nilon, hoặc hộp nhựa và để vào ngăn đá của tủ lạnh.
– Khi nấu ăn, lúc nào dùng mới lấy hành trong túi ra với lượng vừa đủ cho vào nồi, phần còn lại tiếp tục cất vào ngăn đá tủ lạnh.
Cách này có thể áp dụng bảo quản rau mùi, thì là… đều được.
Hành ta, tỏi khô
– Với tỏi tươi, bạn không nên bảo quản trong túi nilon. Có thể bọc tỏi vào lá cải, để vào chỗ râm mát, tỏi sẽ giữ tươi được vài ngày.
– Cách bảo quản tốt nhất là cho hành, tỏi vào trong túi lưới, túi giấy hoặc rổ để có sự thông hơi nhất định, nếu để trong túi kín hoặc hộp nhựa thì hành, tỏi dễ bị thối mốc.
– Khu vực bảo quản hành, tỏi phải khô ráo, thoáng mát. Tránh những nơi ẩm ướt sẽ khiến hành, tỏi bị mọc mầm. Ngoài ra không để hành ở những nơi nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao. Nhiệt độ mức trung bình là tốt nhất.
– Chú ý kiểm tra túi, rổ đựng hành, tỏi thường xuyên để loại bỏ những củ có dấu hiệu bị thối, mềm hoặc thay đổi màu sắc, tránh nấm mốc lây sang những củ khác trong túi.
Hành tây
Bảo quản hành tây ở nơi khô thoáng, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Những nơi ẩm dễ làm cho hành bị mốc. Cũng có thể bảo quản hành tây ở ngăn mát tủ lạnh trong thời gian dài, bằng cách bọc từng củ hành với giấy thiếc (loại giấy thường dùng để lót khay nướng thịt, cá). Giấy này giúp hành được khô ráo và tránh ánh sáng.
Lưu ý, không được để hành tây chung với khoai tây. Hơi ẩm thoát ra từ khoai tây sẽ khiến hành tây bị hỏng nhanh, mốc.
Gừng
Một số cách để bảo quản gừng được tươi lâu:
– Bảo quản ở nhiệt độ thường: Hoàn toàn có thể bảo quản gừng ở nhiệt độ bình thường, nhất là mùa đông, gừng giữ tươi được khá lâu.
– Bảo quản gừng trong tủ lạnh: Nghiền củ gừng tươi với một ít muối, nước chanh và chút ít đường. Tiếp đó, cho hỗn hợp gừng đã nghiền nhuyễn này vào trong một chiếc lọ sạch, nắp kín, không để không khí lọt vào rồi để vào tủ lạnh. Với cách này gừng được nghiền nát sẽ vẫn tươi trong khoảng từ 6 tháng đến một năm.
– Bảo quản gừng trong giấy bạc: Bạn cũng có thể dùng giấy bạc quấn chặt củ gừng và để ở nơi thoáng mát.
– Vùi gừng trong cát: Đây là cách của dân gian, rất đơn giản vùi gừng xuống dưới lớp cát ẩm. Cách này vừa giữ được gừng lâu tránh bị khô.
Bảo quản ớt
– Sấy khô: Theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ, dùng dao rạch quả ớt bỏ hạt, ngâm vào nước đã đun sôi để hơi ấm, sau đó sấy khô. Lúc ăn bạn chỉ cần ngâm lại bằng nước ấm ớt lại tươi như ban đầu.
– Cho vào ngăn đá tủ lạnh: Ớt ngắt hết cuống, rửa sạch, cho vào hộp đậy kín và để vào ngăn đá tủ lạnh. Khi ăn chỉ cần lấy ra, rửa lại thì quả ớt sẽ mềm lại như cũ.
– Làm dấm ớt: Làm dấm ớt cũng là một cách để bạn giữ ớt lâu, tuy ớt không còn tươi và có mùi hăng như lúc ban đầu nhưng ớt ngâm cũng có vị ngon riêng. Ớt chín cắt bỏ cuống, rửa sạch để ráo nước, dùng kim xâm thủng nhiều lỗ trên quả ớt, rồi xếp vào trong lọ. Đổ dấm ngập lên ớt, thêm vài tép tỏi đập dập lên trên và đậy kín nắp.